Cách sơn tường đẹp và xử lý một số lỗi thường gặp

2016-10-28
Chọn được nhãn hiệu sơn tốt, màu sắc phù hợp với sở thích mới chỉ là điều kiện đầu tiên. Kỹ thuật thực hiện thi công sơn cũng góp phần quan trọng trong việc tạo ra được bức tường sơn có chất lượng cao hay không. Ngôi nhà của bạn sẽ có “nước da” lâu bền trong nhiều năm sử dụng hay chỉ một thời gian ngắn, lại bắt bạn phải “mở hầu bao”? Câu trả lời nằm trong cách thức bạn tiến hành xử lý mặt tường, kỹ thuật thi công. Giai đoạn này, bạn không nên thục hiện những biện pháp vội vã, bỏ qua công đoạn, giảm nhẹ chi phí mà quên rằng có một số nguyên tắc tối thiểu cần tuân thủ.
Thực hiện quy trình bả và sơn
- Bước đầu tiên, bạn cần đưa ra các quyết định chủ yếu¨chọn màu sơn, chủng loại, hệ thống sơn, mức chi phí. Màu sơn do bạn chọn lựa theo gợi ý về màu sắc, các gam màu hnagx sơn đã phối, chọn lọc và đưa ra. Chọn loại sơn gốc nước hay gốc dầu. hệ thống sơn tiêu chuẩn gồm 3 lớp: lớp bả, lớp sơn lót và lớp sơn phủ. Mục đích của lớp bả để làm phẳng mặt. Lớp sơn lót để ngăn chất kiềm trong vữa tường thoát ra làm hỏng màng sơn bên ngoài. Lớp sơn phủ có tác dụng trang trí và bảo vệ, thường được sơn hai nước.
- Nhiều người cho rằng phải sử dụng sơn đắt tiền nhà mới đẹp và bền. Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Thêm vào đó bạn phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, xử lý bề mặt tường cho phù hợp. Để ngôi nhà bạn vẫn mới đẹp sau nhiều năm sử dụng, bạn phải tuân thủ các phương pháp kỹ thuật trong giai đoạn sơn tường.
- Trước hết, nếu là nhà xây mới, bạn phải chờ một thới gian cho tường thật khô. Một tháng sau khi trát hoàn thiện, khi lớp trát mặt ngoài khô cong, nhưng bên trong, vữa tường vẫn ẩm. Khi bạn cứ tiến hành sơn, lớp sơn như một màng ngăn cách không cho tường tiếp tục khô. Đó chính là nguyên nhân gây nên hiện tượng phồng rộp, mốc rất nhanh sau khi sơn, vì tường cần “thở” trong khi bạn lại “bịt”. Như vậy, nếu không bị thời gian hoàn thành hối thúc, tốt nhất là bạn càng để lâu (tính từ lúc trát tường đến khi sơn) càng tốt.
Chuẩn bị bề mặt sơn
Hiệu quả của lớp sơn bảo vệ phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị bề mặt trước khi sơn. Đây là những bước cần thiết để chuẩn bị bề mặt sơn:
- Chà sạch bụi hoặc nấm mốc trên tường.
- Cạo sạch lớp sơn cũ bong tróc bằng bàn nạo.
- Trám lại các lỗ tường hoặc khe nứt để tạo bề mặt phẳng.
Khi sơn với bề mặt tường mới, nhất thiết phải sử dụng sơn lót. Lớp sơn lót đóng vai trò chống lại hiện tượng kiềm hóa, là hiện tượng các đốm trắng xuất hiện và làm biến màu sơn trên tường. Nguyên nhân các mảng sơn bị nhăn lại do màng sơn quá dày hoặc sơn trước chưa thật khô đã vội sơn nước sau. Còn khi bạn sơn trực tiếp lên nền tường đã có sơn trước, cũng vẫn nên sơn lót. Những ngày mưa ẩm bạn đừng nên sơn. Cũng đừng nên dùng quạt trần để làm sơn chóng khô. Chờ sơn khô trong điều kiện tự nhiên là tốt nhất.
Các sự cố thường gặp khi sơn tường
- Có rất nhiều sự cố có thể xảy ra với màng sơn. Nó mịn màng như da cô gái trẻ hay nhăn nheo như da bà lão, đừng vội cho rằng sơn tốt xấu là quyết định hết. Nếu bạn đã chọn lựa loại sơn đắt tiền, phẩm chất tốt, bạn cũng chớ bỏ qua việc tìm hiểu những sựu cố thường gặp. Để tránh những hiện tượng đó xảy ra trong ngôi nhà bạn, chỉ có cách làm thật cẩn thận. Nhưng nếu có sự cố, bạn phải tìm hiểu nguyên nhân và cách sửa chữa, khắc phục cũng như những biện pháp phòng tránh nó. Dưới đây là một vài hiện tượng thường gặp đối với màng sơn.
Hiện tượng tường bị phấn hóa
- Một trong những sự cố liên quan đến lớp sơn thường gặp là hiện tượng phấn hóa, tức là khi chà tay lên mặt sơn thấy sơn bám ra tay như bụi phấn. Như vậy là bạn đã sử dụng sai loại (ví dụ sơn trong nhà mang ra ngoài trời), sơn kém chất lượng, sơn có hàm lượng chất keo thấp, không thuộc hệ nhựa acrylic. Tia tử ngoại trong ánh nắng tác động vào sơn làm xảy ra hiện tượng phấn hóa. Để khắc phục, bạn cần rủa sạch lớp sơn cũ bằng cách cạo sạch và dùng vòi nước áp lực cao xối mạnh. Sau đó, bạn chờ tường khô và sơn lót cẩn thận trước khi sơn hoàn thiện. Bạn không nên sử dụng sơn trong nhà cho các khu vực ngoài trời, nên sử dụng sơn có chất lượng đảm bảo và pha sơn theo đúng tỷ lệ chỉ định của nhà sản xuất.
Khi xuất hiện vết đốm trắng trên tường
Một hiện tượng khác cũng dễ xuất hiện là kiềm hóa, khi bề mặt sơn có những vết hay đốm trắng loang lổ. Hiện tượng này thường xảy ra trên những bức tường ẩm ướt, do lớp muối calcium không tan. Bạn có thể chờ màng sơn thật khô rồi chà mạnh bằng khăn khô. Tuy nhiên nếu hiện tượng này đã quá mạnh, chẳng có cách xử lý nào khác là bạn phải chờ tường thật khô rồi cạo bỏ lớp sơn. Sau đó, bạn dùng bàn chải cà mạnh và tiến hành sơn lại. Còn cách phòng tránh là phải để tường thật khô và sạch trước khi sơn. Nếu ở nơi quá khuất gió, nhiều khi phải để hàng tháng, tường mới thực sự khô . Nếu là các vị trí dễ ẩm như chân tường, khe tiếp giáp giữa hai nhà, bạn nên sơn lót bằng loại sơn chống kiềm trước khi sơn lớp hoàn thiện.
Độ ẩm tác hại đến màng sơn
- Tường vừa sơn xuất hiện các vết phồng rộp, chỗ nhỏ chỗ lớn, khi đập bể ra thấy nước rỉ. Nguyên nhân có thể là độ ẩm trong tường cao, tường có các vết nứt nhỏ bên trong hoặc mặt bên kia tường thấm nước, hoặc bột bả kém chất lượng. Hiện tượng này xẩy ra có thể do tường chưa khô đã vội vã sơn, hoặc tường vẫn tiếp tục bị ngấm, lâu ngày làm sơn phồng lên. Biện pháp khắc phục cũng là phải xử lý độ ẩm của tường, chờ khô rồi dùng sơn cao cấp có khả năng “thở” tốt (màng sơn cho phép một lượng hưoi ẩm thẩm thấu qua).
Để tránh tối đa sự cố
- Một nguyên tắc chung để tránh các hiện tượng phức tạp về sơn là phải lựa chọn kỹ chủng loại sơn trước khi tiến hành: sơn trong nhà hay sơn ngoài trời, sơn chất lượng thấp hay chất lượng cao. Tốt nhất là có lớp sơn lót trước các lớp sơn phủ.
- Đối với bề mặt tường mới trát, nên chờ từ 21 – 28 ngày trong điều kiện thời tiết khô ráo mới tiến hành sơn. Bạn cần khuấy đều sơn trước khi sử dụng, hạn chế pha loãng sơn cho dễ quét, nếu cần pha phải theo tỷ lệ của nhà sản xuất quy định bằng dung môi được phép (đối với sơn gốc dầu). Thi công sơn trong một phòng theo trình tự từ ngoài vào trong (sơn gần cửa ra vào đi vào trong nhà), từ trên xuống dưới (đối với một mảng tường). Cần tránh hiện tượng cách nửa (tức là sơn phần trên tường và phần dưới tường vào các thời điểm quá cách xa nhau, gây sự khác biệt màu trên lớp sơn hoàn thiện). Mỗi ngày, cần rửa thật sạch dụng cụ trước và sau khi thi công, không để lẫn lộn sơn cũ mới. Nên chọn sơn lót và sơn hoàn thiện cùng một hãng để tránh sự khác biệt về hóa chất.
- Khi sơn, nên bật tất cả các đèn điện có trong phòng. Tất cả các khiếm khuyết của bức tường có thể lộ ra dưới ánh đèn. Nếu trời quá nắng nóng, bạn nên đóng các cửa sổ để tránh ánh nắng chiếu thẳng vào làm khô lớp sơn nhanh chóng trước khi kịp sơn đến các phần nối tiếp còn ướt. Dùng rulo lăn hay chổi quét cũng không được để lộ các sọc theo chiều hướng quét. Nếu xuất hiện sọc cần thay rulo hay chổi quét mới mịn màng hơn. Đối với những mảng tường lớn, bạn nên dự trù công việc hoàn tất trong một buổi, để tránh các đường lằn giữa sơn mới và sơn cũ.
- Để có tính năng chống thấm tốt, đặc biệt là các vị trí phòng vệ sinh, bếp, phòng giặt có độ ẩm cao, tường ngoài nhà, ngoài việc áp dụng các lớp chống thấm tốt cho bề mặt tường, bạn nên sử dụng sơn nước gốc dầu có khả năng chống thấm tốt hơn. Sơn được coi như lớp màng khá mịn làm nước trôi đi dễ dàng không đọng lại trên bề mặt sơn. Độ cứng và độ thẩm thấu cao do hệ sơn gốc dầu nên sơn dễ len lỏi vào các mạch mao dẫn trên bề mặt tường và cấu kiện được sơn.
Để hạn chế trày xước lớp sơn
- Sau một thời gian sử dụng, sơn dù bóng đẹp đến đâu cũng dễ bị trày xước. Nguyên nhân chính là do các va chạm trên bề mặt tường. Hạn chế sự va chạm trên mặt sơn là một cách khắc phục, nhưng khó thực hiện ở những vị trí nhiều người qua lại hay nhà có trẻ nhỏ. Nếu bạn thực sự không muốn phải mất nhiều chi phí để tân trang lại nhà cửa, hãy chọn lựa loại sơn tốt ngay từ đầu. Một màng sơn cứng, dày, có độ bóng và “chịu đựng” được các nét vẽ bằng bút chì, thạm chí cả bút mực của trẻ nhỏ, giúp bạn dễ dàng lấy lại được vẻ đẹp ban đầu của bức tường sơn. Khi tường bị bẩn, bạn chỉ cần dùng giẻ ướt nước chà xát vài lần là sạch.
- Đa phần sơn hiện nay là loại gốc nước, màng sơn khi khô chỉ dày khoảng 30 micron, nên bè mặt sơn rất mềm, dễ bị tray xước khi chỉ có một lực nhỏ tác động. Đối với những vị trí có yêu cầu đặc biệt, cần sử dụng sơn gốc dầu là loại sơn cao cấp có khả năng chống trầy xước trên bề mặt sơn tốt nhất. Sơn gốc dầu có khả năng thẩm thấu sâu và bám chặt vào mặt tường. Mặt sơn cứng, chắc và trơn láng mà vẫn bảo đảm các yêu cầu khác của sơn trang trí tường. Điều đặc biệt là sơn chịu nhiệt rất tốt, nhiệt độ trên 42oC sơn mới bị mềm ra.
- Những sự cố về sơn cũng dễ xảy ra, nhưng nếu bạn thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chọn lựa loại sơn tốt và cẩn thận giữ gìn, ngôi nhà của bạn sẽ có vẻ đẹp dài lâu.
NHIỀU SỰ CỐ TRÊN MÀNG SƠN CÓ THỂ XẢY RA NGAY SAU KHI SƠN HOẶC VÀI BA THÁNG SAU, NHƯNG NẾU CÓ THỂ TRÁNH ĐƯỢC NẾU BẠN THỰC HIỆN TỐT CÁC BƯỚC CHUẨN BỊ VÀ THỰC HIỆN ĐÚNG QUY TRÌNH.

Bài viết liên quan

Cùng Sontakane điểm tô cho ngôi nhà của bạn với chất lượng tốt nhất: ✓Sơn Bền Màu Đến 10 Năm ✓Tính Năng Vượt Trội ✓An Toàn ✓Tư Vấn Màu Sơn Phù Hợp ✓Giá Ưu Đãi

Facebook chat